Tin tức

Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Những năm gần đây, việc hợp tác, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ giữa các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh với các doanh nghiệp (DN) đạt nhiều kết quả tích cực.

Điều này mang lại lợi ích cho cả 2 phía, thúc đẩy tinh thần sáng tạo của giảng viên, sinh viên.

* Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho biết từ năm 2003, nhà trường chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đưa công tác này đi vào thực tiễn.

Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của trường là Xây dựng văn phòng điện tử, sử dụng trong nhà trường với kinh phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Văn phòng điện tử cho phép các giao dịch đều thực hiện trên mạng internet, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức của không chỉ người quản lý mà cả nhân viên, giảng viên.

Với những hiệu quả đạt được, đề tài này sau đó đã được chuyển giao cho các trường đại học khác trong và ngoài tỉnh. Liên tiếp sau đó, Trường đại học Lạc Hồng thực hiện nhiều hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp, nhà hàng, quán cà phê trong tỉnh như: phần mềm E_Order; hệ thống kiểm tra và xếp vỉ linh kiện, máy bôi trơn khuôn đúc ly tâm, máy uốn thép tự động.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho hay: “Trong thời gian tới, hoạt động hợp tác, chuyển giao công nghệ sẽ tiếp tục được nhà trường phát huy và đẩy mạnh. Trong đó, sẽ tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà nước và thực hiện hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các tổ chức khoa học công nghệ quốc tế.

Theo lãnh đạo nhà trường, mục đích ban đầu của việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ không phải vì lợi nhuận mà để tạo thương hiệu. Đồng thời, đưa phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên đi vào chiều sâu.

Hằng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội KH-CN Lạc Hồng với hàng trăm đề tài tham gia. Đến nay, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của nhà trường đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhà trường đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn với chi phí hàng tỷ đồng. Công tác chuyển giao đã mang lại thu nhập rất lớn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường. Nhiều bài báo khoa học quốc tế uy tín nằm trong danh mục ISI với hệ số ảnh hưởng cao cũng đã được xuất bản từ chính các nhà khoa học của Trường đại học Lạc Hồng.

TS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện, điện tử Trường đại học Lạc Hồng, chia sẻ một số dự án do giảng viên, sinh viên nhà trường thực hiện được chuyển giao cho các DN đạt hiệu quả cao như: hệ thống máy dán keo tự động (nhằm dán băng keo lên 4 mặt của thanh nhôm để bảo vệ cây nhôm); dự án dán bacode lên hộp linh kiện (nhằm thay thế công đoạn dán băng keo, rút bớt công đoạn việc làm); máy dập lộ nhôm tự động (giúp giảm nhân công, nâng cao năng suất, giảm giá thành); máy nhỏ keo tự động…

“Việc hợp tác mang lại lợi ích cho cả đôi bên. DN có nơi để tham vấn về kỹ thuật, được chuyển giao những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, hiện đại nhằm cải tiến năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị của sản phẩm. Còn giảng viên và sinh viên được trải nghiệm trong môi trường thực tế, nắm bắt những công nghệ mới, nhanh chóng hòa nhập với công nghệ 4.0, có thêm thu nhập và kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề trong tương lai” - thầy Toản tâm sự.

* Hướng tới những công dân toàn cầu

TS Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho biết nhà trường đã và đang hợp tác chuyển giao chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp tổ chức đào tạo, quy trình đào tạo, đánh giá năng lực đối với 4 chương trình cho 11 trường trong hệ thống giáo dục toàn quốc được Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa liên bang Đức (GIZ) lựa chọn.

Nhà trường cũng đang phối hợp với các DN triển khai mô hình đào tạo phù hợp với thực tế các doanh nghiệp. Các DN sẽ trực tiếp tham gia xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với quy trình công nghệ, sản xuất của DN; tham gia tổ chức, đào tạo tại DN với những nội dung mà 2 bên đã thống nhất, đánh giá chất lượng.

“Từ năm thứ 2, sinh viên của trường đã đến các DN để học và làm việc tại các vị trí việc làm, dây chuyền công nghệ. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm được việc ngay mà DN không cần phải đào tạo lại. Nhờ đó, DN có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu” - TS Lê Quang Trung chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, nhà trường đang triển khai xây dựng Trung tâm Đào tạo công nghiệp 4.0 nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Đồng thời, nâng cấp, cải tiến chương trình đào tạo như: ngành robot công nghiệp, tự động hóa công nghiệp, điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại CNC. Ngoài ra, Trường Lilama 2 đang phối hợp với Công ty Kỹ thuật sửa chữa máy bay của Cục Hàng không Việt Nam (Vaeco) đào tạo 2 ngành bảo trì bảo dưỡng máy bay, bảo dưỡng sửa chữa cấu trúc máy bay để góp phần đào tạo nhân lực cho dự án Sân bay Long Thành trong thời gian tới.

Nhà trường tiếp tục hỗ trợ miễn học phí cho con em Đồng Nai học các ngành cao đẳng tại nhà trường. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên có thể học liên thông tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM.

“Trong năm nay, nhà trường tuyển dụng và đào tạo 50 chỉ tiêu ngành điện công nghiệp, 50 chỉ tiêu ngành hàn. Sau 2 năm vừa học nghề, vừa học tiếng Nhật tại Việt Nam, các em sẽ đi thực tập tại Nhật Bản. Trở về nước, cơ hội việc làm của các em rất lớn, mức thu nhập cao. Mục tiêu của nhà trường hướng tới sẽ là đào tạo nhân lực chất lượng cao toàn cầu chứ không chỉ đào tạo nhân lực cho tỉnh và trong nước” - TS Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 nhấn mạnh.

Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202206/day-manh-hop-tac-giua-nha-truong-va-doanh-nghiep-3119364/index.htm

Hồng Sơn - Khoa Cơ Điện - Điện tử

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,294,738       3/886