Ngày Tết, nhà nhà chuẩn bị đầy đủ bánh, mứt, nước ngọt, bia rượu cùng thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Khách khứa đến lục tục để chúc xuân, mừng tuổi. Cả khách và chủ cùng nhau thưởng thức khi thì cái bánh cục kẹo, khi thì miếng chả lụa, khoanh dưa hấu... trời nắng nóng, nước ngọt, bia lạnh được nạp liên tục trong ngày. Đến bữa ăn chính, các thức ăn truyền thống như thịt heo kho trứng, lạp xưởng, bánh chưng... giàu chất béo được hâm đi hâm lại, thiếu cơm nóng, rau xanh...
Hậu quả là người gầy có thể càng gầy thêm vì các thức ăn lặt vặt không cung cấp nhiều năng lượng nhưng lại gây ra hiện tượng “no ngang”. Với người dư cân thì khả năng nạp thức ăn vô hạn của họ sẽ được khuyến khích cả khi ăn vặt lẫn khi vào bữa chính với vô số thức ăn hấp dẫn giàu đạm giàu béo, giàu bột đường, khiến họ có thể tăng 2 - 3 kg dễ dàng chỉ trong 1 - 2 tuần ăn Tết.
Hãy lên chương trình du xuân và chuẩn bị thực đơn cho những ngày Tết để có kế hoạch mua sắm, tránh trường hợp dự trữ thức ăn quá nhiều.
Khi mua sắm Tết vào ngày 29 - 30, ngoài việc lựa chọn các thực phẩm tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp còn hạn sử dụng, nên mua rau xanh và trái cây cho mùng 1, mùng 2, mua bí bầu - su su - cà rốt cho mồng 3, mồng 4 để có đủ rau củ ăn.
Hạn chế các loại thức ăn năng lượng rỗng (không kèm vitamin, khoáng chất) như bánh, kẹo, mứt, nước ngọt, bia... mà thay bằng các loại trái cây. Người gầy thì ăn dưa hấu, quýt, xoài chín, nhãn..., người mập ăn thanh long, củ sắn, táo, bưởi...