Không thực sự xuất sắc như SPK VENUS ++ nhưng CĐT1-K4 cũng đã giành được chiếc vé đi tiếp ở bảng đấu này với một chiến thuật hợp lý và hiệu quả. Giành chiến thắng trước một đối thủ không thực sự mạnh như SAO ĐỎ- ĐT3 ở trận đấu đầu tiên, CĐT1-K4 đã nhanh chóng có được chiến thắng thứ 2 trước “những người đồng nghiệp” FIRE WIN của ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Cho dù để thua ở trận đấu cuối cùng trước một SPK VENUS ++ rất mạnh ở bảng đấu này, CĐT1-K4 cũng đã giành chiếc vé thứ 2 ở bảng đấu này, giành quyền đi tiếp.
Trong khi đó, phát huy thành công của các đội Robocon “anh em” từ trước đó, LH-CACTUS 1 của ĐH Lạc Hồng đã có một ngày thi đấu cực kỳ xuất sắc để giành quyền đi tiếp với 2 Loy-Krathong. Với việc sử dụng tới 5 cảm biến quang để xác định vị trí đặt ngọn lửa đèn cùng với một tâm lý vững vàng trong thi đấu, đã giúp cho LH-CACTUS 1 nhanh chóng giành được Loy-Krathong với 300 điểm tuyệt đối, chỉ trong vòng 89 giây trước đối thủ ALLIGATOR, đến từ ĐH Công nghiệp Hà Nội. Chiến thắng này chính là cơ sở để LH-CACTUS 1 vững vàng hơn trong trận thứ 2 gặp C7-KTX của ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng yên.
Trước một đối thủ được đánh giá không thực sự mạnh, LH-CACTUS 1 đã sử dụng chiến thuật thả Krathong ở gần mặt sông, giúp cho việc thả ngọn lửa đèn sau đó trở nên dễ dàng hơn. Trong khoảng thời gian 111 giây, LH-CACTUS 1 đã hoàn thành việc thả ngọn lửa đèn, qua đó giành Loy-Krathong thứ 2, chính thức giành chiếc vé đầu tiên của bảng E, lọt vào vòng 1/16 đội. Ở bên kia chiến tuyến, do đội SQ 03 gặp trục trặc ở robot tự động nên ALLIGATOR đã có được chiến thắng đầu tiên ở bảng đấu này trước khi giành được Loy-Krathong ở trận đấu cuối cùng gặp C7-KTX của ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Chiến thắng này đã giúp cho đại diện của ĐH Công nghiệp Hà Nội giành quyền đi tiếp.