Tin tức

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (09/02/1907 - 09/02/2017)

Đồng chí Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, luôn xuất hiện như một ngọn cờ ở những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.

Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (1925-1988), đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Quyền Tổng Bí thư, rồi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.v.v… Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.

Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đạo đức cách mạng trong sáng, chân thành, khiêm tốn, giản dị.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống văn hóa giáo dục rất cơ bản. Ông nội là Đặng Xuân Bảng, đỗ Tiến Sỹ khoa Bính Thìn (1856), một người học rộng, tài cao, văn võ toàn tài, tính tình trung thực, có tinh thần kiên quyết chống Pháp, từng làm Án sát, Tuần phủ ở một số tỉnh; sau làm đốc học Nam Định. Thân phụ là Đặng Xuân Viện, nổi tiếng trong việc viết sách và khảo cứu trên nhiều lĩnh vực. Thân mẫu là Nguyễn Thị Từ, một phụ nữ hiền lành, thủy chung, suốt đời gắn bó với đồng ruộng và hết lòng phụng dưỡng chồng, con.

Truyền thống gia đình, quê hương, đất nước đã góp phần hun đúc tình cảm, lý tưởng cách mạng ở đồng chí Trường Chinh. Năm 1925, đồng chí tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu; năm 1926, đồng chí là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để đòi truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau cuộc bãi khóa, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi học.

Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi chuyển lên Hà Nội học ở Trường Cao đẳng Thương mại. Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí Trường Chinh được chỉ định vào Ban cổ động và Tuyên truyền của Trung ương Đảng.

Cuối năm 1930, đồng chí bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù ở nhà lao Hỏa lò và Sơn La. Nhưng đến cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi quyền tự do, dân chủ và thả tù chính trị, đồng chí Trường Chinh cùng nhiều đồng chí khác được trả lại tự do.

Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Hà Nội, là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ. Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, đồng chí Trường Chinh chuyển vào hoạt động bí mật.

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa I) của Đảng tháng 11/1940, đồng chí Trường Chinh được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) của Đảng tháng 5/1941, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn, Trưởng ban Công vận Trung ương, chủ bút nhiều tờ báo của Đảng.

Năm 1943, đồng chí bị tòa án binh của thực dân Pháp ở Hà Nội kết án tử hình vắng mặt. Ngày 9/3/1945, đồng chí chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chủ trương Tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945, đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Đồng chí Trường Chinh người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến tháng 10/1956. Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng. Năm 1962, đồng chí là Trưởng Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1962 – 1982).

Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ở Đại hội này, Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam), đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương và Trưởng ban Lý luận Trung ương. Cũng năm 1976, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 7/1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 12/1986, tại Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh của Đảng.

Ngày 14/7/1986, BCH Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt, bầu ông Trường Chinh làm Tổng Bí thư, lúc này chỉ còn 5 tháng là đến Đại hội VI. Trên cương vị Tổng Bí thư, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, ông từng nói “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”.

Đảng Ủy

Trường Chinh, Tổng bí thư, kỷ niệm


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        4,150,355       3/869