Tiêu điểm

Học phí ĐH có thể tăng đến 400.000đ/tháng

Nhiều năm không thay đổi

       Đánh giá về tình hình chi thường xuyên ngân sách nhà nước trong giáo dục năm 2007, ông Nguyễn Văn Ngữ - vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ GD-ĐT - cho hay chi phí đào tạo bình quân một học sinh, sinh viên hiện đang rất thấp. Nếu tính chi li, trong năm 2007 bình quân mỗi học viên sau ĐH nhận được khoảng 2,4 triệu đồng/năm. Đối với bậc ĐH, CĐ, bình quân mỗi sinh viên được 1,98 triệu đồng/năm.
Nếu tính luôn cả phần học phí mà sinh viên phải đóng thì mức chi cho mỗi sinh viên là 3,58 triệu đồng/năm.
       Cũng theo ông Ngữ, so với yêu cầu thực tế, các mức chi trên không thể đảm bảo chất lượng đào tạo. Chỉ so với những sinh viên được cử đi học ở các nước theo diện hiệp định sẽ thấy một sự chênh lệch lớn hơn nhiều. Hiện tại, mỗi sinh viên đi học theo diện này được chi khoảng 40,8 triệu đồng/năm. Bộ GD-ĐT nhận định chính chi phí thấp đã đẩy các trường vào tình trạng thiếu kinh phí để đầu tư đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy học tập cũng như nâng cao chất lượng.

Một số trường xin... trả lại ngân sách xây dựng cơ bản
Theo thống kê của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản 11 tháng đầu năm 2007 của các bộ ngành, Bộ GD-ĐT chỉ mới giải ngân được 48% số vốn được Chính phủ giao. Trong đó, một số trường ĐH đến tháng 12-2007 vẫn không thể giải ngân được và đã có công văn xin trả lại ngân sách. Nguyên nhân là có nhiều thay đổi về trình tự, thủ tục triển khai dự án; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; năng lực quản lý của một số ban quản lý dự án yếu kém...
Bộ GD-ĐT cho biết trong năm 2008, tổng kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao hơn 1.600 tỉ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2007), được dùng để chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, đổi mới giáo dục ĐH, tổ chức các kỳ thi...  

       Bức xúc trước mức chi phí dành cho đào tạo quá thấp, đại diện hầu hết các trường ĐH đều cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ học phí.
       PGS-TS Trần Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế), đặt vấn đề tại sao trong 10, 15 năm qua, ngoài thị trường tình trạng trượt giá diễn ra liên tục trong khi mức học phí vẫn cứ giữ nguyên. Theo ông Minh, mức đóng góp của người học từ bậc ĐH trở lên không thể không thay đổi bởi mức học phí bình quân tối đa 180.000 đồng/sinh viên/tháng như hiện nay là quá thấp.
       Ủng hộ ý kiến này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hợi, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, nói: "Ngành giáo dục chúng ta đang chịu ảnh hưởng rất lớn của một tư tưởng bao cấp nặng nề. Cần phải thay đổi tư tưởng ấy, tìm ra hướng mới trong việc thu học phí bởi có một bộ phận sinh viên muốn đầu tư cao vào học tập nhưng họ bị buộc phải chạy theo những sinh viên đóng học phí thấp. Kết quả là họ cũng nhận được một chất lượng đào tạo thấp". Chứng minh thêm cho gánh nặng chi phí, ông Hợi cho hay trường ông mỗi năm phải miễn giảm cho gần 4.000 sinh viên thuộc các diện chính sách khác nhau, khiến trường phải gồng mình chịu đựng.
Nhà trường phải xoay xở "nồi cơm"
       GS-TSKH Bùi Văn Ga nêu lên một thực tế buồn nhưng đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều trường ĐH trong cả nước. Đó là vì kinh phí eo hẹp nên từ nhiều năm nay, học phí của sinh viên hệ vừa học vừa làm trở thành "nồi cơm" nuôi sống trường.
       GS Ga nói: "Mỗi tiết dạy ngoài giờ của giáo viên được trả 23.000 đồng. Thế nhưng do kinh phí eo hẹp nên chỉ được tính 4.000 đồng. Số tiền còn lại 19.000 đồng trường phải tự tìm cách xoay xở". Ông nhẩm tính: "Đối với các trường ĐH công lập, nếu học phí không tăng gấp hai hoặc ba lần hiện nay thì kinh phí Nhà nước cấp phải tăng thêm 55% mới đủ cho trường hoạt động".
      Thực tế này cũng đã được Bộ GD-ĐT ghi nhận. Theo thống kê, các trường đã phải dành phần lớn nguồn tự thu gồm học phí và một số khoản thu khác để bảo đảm cải cách tiền lương. Chính vì vậy, các trường phải dành đến 45% để chi cho lương cùng các khoản mang tính chất lương, học bổng và 35% chi cho nghiệp vụ quản lý.
Không phải là 200.000 mà là 400.000
       Sau khi lắng nghe những ý kiến bức xúc từ phía các trường, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định khung học phí mới sẽ sớm được đưa ra trong thời gian tới. Theo đó, những trường chất lượng cao sẽ được thu học phí cao hơn các trường còn lại. Và để xác định trường nào là trường chất lượng cao, Bộ GD-ĐT sẽ phải tiến hành kiểm định để phân loại. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận để đảm bảo chi thường xuyên cho đào tạo, học phí chắc chắn không thể là 200.000 đồng mà phải là 400.000 đồng/tháng/sinh viên. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý việc tăng học phí chỉ có thể thực hiện sau khi đã tiến hành tốt khâu cho sinh viên vay vốn học tập.
       Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ phận liên quan cần làm rõ hiện trạng thu chi tài chính trong toàn ngành để phát hiện những nội dung chi tiêu lãng phí kém hiệu quả.
TT

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        29,523,521       31/549