Tiêu điểm

"Nghệ thuật" kinh doanh học vị

 

Tại một lễ trao bằng liên kết với nước ngoài. Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. Lê Anh Dũng
Tại một lễ trao bằng liên kết với nước ngoài. Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. Lê Anh Dũng
       Hiến pháp của Mỹ, do đặc điểm hình thành Liên bang Hoa Kỳ, không cho chính quyền trung ương quản lý công tác giáo dục mà giao quyền này cho các bang. Mỗi bang lại có quyền tổ chức và quản lý công tác giáo dục theo cách riêng. Nói chung, các bang đều để cho trường ĐH và CĐ, tư cũng như công, gần như hoàn toàn tự trị, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
 
       Vì thế, luật lệ của nhà nước về giáo dục, đặc biệt là về ĐH, không những không có ở cấp trung ương liên bang (Tuy ở cấp này có cơ quan, lúc đầu là phòng, sau nâng lên thành cục, rồi gần đây là bộ giáo dục nhưng chỉ làm công việc nghiên cứu, khuyến cáo và tài trợ cho công tác giáo dục ở các bang. Việc tài trợ này thường được công bố dưới dạng luật do Quốc hội thông qua) mà ngay ở cấp bang, các luật này cũng ít và sơ sài, nhất là đối với giáo dục đại học, và cũng chủ yếu về mặt tài trợ kinh phí.

      Thí dụ, không có luật nào buộc muốn mở trường phải xin phép chính quyền hoặc cấm không được tự ý cấp các học vị nếu chưa được chính quyền cho phép.

"Xưởng" cấp bằng
 
      Theo nguyên tắc "luật không cấm hay không buộc phải làm thì mọi người được quyền tự do làm theo ý muốn" nên trăm hoa đua nở. Có một loại "cỏ độc" được tiếng lóng Hoa Kỳ gọi là “lò" hay "nhà máy sản xuất học vị". Đây là những trường “hữu danh vô thực” đăng quảng cáo cấp các học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho những ai muốn có các học vị đó với điều kiện đóng một số tiền gọi là học phí (mà không cần phải học hành hay thi cử gì cả với lý lẽ "đã có kinh nghiệm cuộc đời").
 
      Các loại trường này là một hướng học tập lý tưởng để có học vị cho các cậu ấm cô chiêu nuông chiều và quậy phá của các “đại gia” ở nước ta có tiền cho con đi “du học ở Mỹ”.
 
      Bên cạnh các trường cấp học vị theo kiểu mua bán như vậy, còn có một loại mua bán công khai các danh hiệu vinh dự như kiểu ”nhân vật xuất sắc của thế kỷ”, ”một trong 100 - hay 200 nhà khoa học nổi danh nhất của năm nay hay của thế kỷ này", thậm chí của cả thế kỷ 21. Cơ sở kinh doanh việc mua bán này có tên và địa chỉ hẳn hoi.
 
Đó là Viện Nghiên cứu của Mỹ về tiểu sử ABI.
 
      Giá bán mỗi danh hiệu vinh dự của ABI là từ khoảng 200 đến 800 đô la Mỹ, tùy tính chất vinh dự nhiều hay ít.
 
      Ở Anh cũng có một tổ chức kinh doanh tương tự, tên là Trung tâm Tiểu sử quốc tế IBC. Giá bán mỗi danh hiệu của IBC là khoảng từ 500 đến 1.500 đôla.

      Cách bán “hàng” của 2 tổ chức này đại thể như sau: Qua một số thông tin nào đó, họ biết được địa chỉ của một nhân vật có ít nhiều tiếng tăm, bèn viết thư ca tụng thành tích và đề nghị nếu đồng ý nhận danh hiệu đó thì viết cho họ một bản tiểu sử, kèm theo một số tiền để chi phí cho việc in và gửi danh hiệu...
 
Và danh hiệu "nhân vật thế kỷ"
 
      Luật pháp ở những nước này có cấm bán hàng rởm về một số loại như thực phẩm, thuốc men, còn về các loại hàng khác chỉ cấm không được nhái những hàng đã có đăng ký. Ví dụ, không được mua bán danh hiệu “giáo sư ĐH Harvard” vì danh hiệu là thuộc bản quyền của ĐH danh tiếng này.
 
      Và như vậy, lại theo nguyên tắc cái gì luật không cấm thì được tự do kinh doanh theo thuận mua vừa bán: ABI và IBC tha hồ phát huy trí tưởng tượng để nghĩ ra các danh hiệu nghe có khi cười ra nước mắt (như kiểu nhân vật xuất sắc nhất của thế kỷ 21) để câu các khách hàng thiếu cảnh giác và háo danh.
 
      Cũng nên nhắc thêm ở đây một tổ chức khác ở Mỹ cũng kinh doanh sự háo danh của khách hàng. Đó là tổ chức xuất bản các bộ tiểu sử nhân vật có danh tiếng trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác (như về doanh nhân, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội...). Bộ tiểu sử đó mang tên bằng tiếng Anh là “Who’s who in…”(tạm dịch là”Người ấy là ai ở lĩnh vực...”). Cách tiếp thị của họ đại thể cũng giống như ABI hay IBC.
 
      Tôi được biết cách đây khoảng 10 năm, ở ta có một doanh nhân cỡ thường thường bậc trung, được họ tiếp xúc như vậy đã mua mấy chục cuốn “Người ấy là ai trong lĩnh vực doanh nghiệp” trong đó có in tên và tiểu sử của doanh nhân ấy để tặng bạn bè vì ông ta hãnh diện được nêu tên trong một cuốn sách của Hoa Kỳ phổ biến trên cả thế giới. Loại ấn phẩm này ở Hoa Kỳ được gọi là “vanity publishing” (tạm dịch là “ấn phẩm háo danh”).

      Các bạn đọc muốn kiểm tra tính chính xác của các thông tin nói trên và biết cụ thể hơn nữa, thí dụ danh sách đầy đủ các “lò sản xuất học vị” ở Hoa Kỳ hay danh sách đầy đủ các danh hiệu vinh dự mà ABI hay IBC rao bán tới nay, có thể vào mạng internet, tra cứu các mục từ  “degree mill”,”IBC”,”ABI” v.v... ở Google hay Vikipedia, rồi từ đó có các chỉ dẫn để tra cứu thêm nữa.
 
      Báo chí nước ta (như trên tạp chí Tia Sáng hay Tiền Phong), mấy năm gần đây cũng có một vài trí thức trong nước hay Việt kiều viết bài cảnh báo về những loại học vị hay danh hiệu rởm đó. Ngay những tổ chức của Hoa Kỳ giới thiệu cho thế giới và cho nước ta việc du học tới Hoa Kỳ cũng thường lưu ý đề phòng những trường rởm.
vietnamnet

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        32,753,442       200/2,588