Tin tức

Hội thảo biên tập các công trình khoa học Châu Á lần thứ 2 – CASE 2015 Hà Nội

Với mục đích thúc đẩy và nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học đạt cấp độ quốc tế, Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp với Hiệp hội biên tập công trình khoa học Châu Á (CASE) và Hiệp hội biên tập công trình khoa học Hàn Quốc (KCSE) đồng tổ chức Hội thảo biên tập các công trình khoa học Châu Á lần thứ 2 – CASE 2015. Chương trình diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 20 đến ngày 22/8/2015.

Chương trình có sự hiện diện của ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; GS Jong Kyu Ha – Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Chủ tịch CASE; bà Joan Marsh – Chủ tịch Hội đồng biên tập các công trình khoa học Châu Âu. Về phía Trường ĐHBK Hà Nội có PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng; GS Bành Tiến Long – Trưởng Ban tổ chức, Phó Chủ tịch CASE cùng hơn 200 nhà khoa học, biên tập viên, đại diện các nhà xuất bản, các tổ chức biên tập uy tín trên thế giới như Elsevier, Editage, Crosref, EASE tham dự.

Trường Đại học Lạc Hồng đã cử Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Lâm Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học tham dự hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - Nguyễn Quân phát biểu tại Chương trình

GS. TSKH Bành Tiến Long phát biểu khai mạc

Cũng trong buổi Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: “Trong chiến lược phát triển KHCN 2011-2020 của Chính phủ đã chỉ rõ, mục tiêu tăng số lượng các công bố quốc tế từ nguồn ngân sách trung bình 15-20% mỗi năm. Trong bối cảnh đó, Bộ KH&CN luôn luôn tạo điều kiện tốt cho các đơn vị, cá nhân thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế, triển khai các chương trình nghiên cứu chung, đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế để nâng cao chất lượng và số lượng các bài báo khoa học tại Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế”. Do đó, bản thân các đơn vị như trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà xuất bản khoa học, các tạp chí, các đơn vị nghiên cứu và đào tạo có tạp chí riêng cũng cần phải có những nỗ lực vươn tới và nắm bắt các cơ hội tốt để được cập nhật về kiến thức và tăng cường giao lưu, góp phần đưa ấn phẩm khoa học Việt Nam lên tầm quốc tế.

Hội thảo biên tập các công trình khoa học châu Á lần thứ 2

Ts Nguyễn Vũ Quỳnh và Ts Nguyễn Thanh Lâm tham gia hội nghị (bìa trái và phải)

Chương trình gồm hai phần chính, với 7 chuyên đề, tập trung vào hai nội dung: báo cáo của các nước về tình hình xuất bản các tạp chí, các công trình khoa học cũng như chia sẻ kinh nghiệm của từng nước; báo cáo của những chuyên gia, các nhà khoa học về quản lý và cách thức tổ chức hoạt động và xuất bản tạp chí, công trình khoa học được xếp hạng ISI từ các nước: Vương quốc Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…

1. Vai trò của viết, biên tập khoa học trong thúc đẩy tính học thuật của các tạp chí

2. Tầm quan trọng của viết, biên tập bản thảo tạp chí khoa học

3. Phương pháp viết bài báo khoa học đạt chuẩn quốc tế.

4. Cách thức để giữ đạo đức xuất bản

5. Ứng dụng công nghệ thông tin mới trong việc xuất bản tạp chí

6. Phương thức chuẩn bị cho các tạp chí đạt chuẩn cơ sở dữ liệu quốc tế.

Hội thảo và Hội nghị lần này là cơ hội để các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về cách thức biên tập cũng như gửi đăng bài báo nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Theo kế hoạch, chương trình CASE 2016 sẽ được tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc).

Nghiên cứu khoa học

Case2015, hội thảo khoa học, bài báo khoa học, tạp chí


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,454,339       6/864