Hàng ngày trên các phóng sự, bản tin đâu đâu cũng thấy nói đến những cụm từ như băng tan, Trái Đất nóng lên, mưa axit, biến đổi khí hậu toàn cầu hay lại thêm những vùng đất mới trở thành bãi rác công nghiệp. Tất cả đều là những hậu quả mà ô nhiễm môi trường gây nên.
Đã từ lâu những thông tin về ô nhễm môi trường được mọi người trong xã hội quan tâm và đăc biệt chú ý. Bởi mọi người đã ý thức được những tác hại mà nó gây ra. Và ô nhiễm môi trường hiện nay là một vấn đề rất nan giải với Thế giới. Bởi vấn đề ấy ngày càng trở nên trầm trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người cũng như các loài động, thực vật sinh sống trên Trái Đất.
Vậy nguyên nhân của ô nhiễm môi trường là do đâu?
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường có thể kể đến là ý thức con người, sự phát triển công nghiệp như vũ bão kéo theo nhiều tác động gây ô nhiễm môi trường.
Trước tiên chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân, họ nghĩ rằng những việc mình làm là nhỏ, không đủ để làm ô nhiễm môi trường. Hoặc nhiều người cho rằng việc bảo vệ môi trường không phải là trách của mình mà là trách nhiệm của Nhà nước, của Chính quyền. Một số khác lại nghĩ rằng môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới mình nhiều,…
Rác thải sinh hoạt tràn ngập dòng kênh
Một nguyên nhân khác nữa gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ chỉ đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà không để ý đến vấn đề xử lý chất thải, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, “góp phần” gây ô nhiễm môi trường. Như nước thải công nghiệp, khí thái, rác thải không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường.
Bên cạnh đó, chính sự quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước chưa được chặt chẽ cũng đã tiếp tay cho những hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn.
Ô nhiễm môi trường và hậu quả nghiêm trọng?
Ô nhiễm môi trường đã làm cho nhiều người trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Điển hình như “làng ung thư” ở Thạch Sơn - Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm do nước thải từ Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Một con số đáng ngại là hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì các căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí (Cục ATLĐ 2016).
Nguồn nước mặt bị ô nhiễm
Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi. Giáo dục, nâng cao nhận thức cho các bé về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa khi xử lý nghẹt cống thoát nước, vì như thế sẽ vô tình đưa vào môi trường một chất thải nguy hại mới, đồng thời cũng làm nguồn nước bị nhiễm độc.
Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặc chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.
Tại các khu du lịch, khu đông dân cư, tuyến đường lớn,... nên bổ sung thêm nhiều thùng rác và các nhà vệ sinh công cộng.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính mình, cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo vệ môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính mình và những người thân yêu.
Xuân Thu theo LPĐ